hà nội quản lý chặt các dịch vụ cầm đồ

Theo thống kê của Công an thành phố thì trên địa bàn hiện có khoảng gần ba nghìn cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, tập trung nhiều ở các khu dân cư có đông công nhân, sinh viên sinh sống. Phần lớn các cơ sở hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, nhưng cũng không ít chủ tiệm lách luật, vượt rào, cố tình cầm cố những giấy tờ, tài sản trái quy định như hộ khẩu, chứng minh nhân dân (CMND), giấy phép lái xe, thẻ sinh viên, thẻ ngành... Khá nhiều tiệm chỉ chú trọng lợi nhuận nên không làm hợp đồng, cầm cố tài sản không đúng tên chủ sở hữu, thấy đối tượng cầm cố có nghi vấn nhưng bỏ qua, không báo cơ quan công an.
Hệ lụy của việc không tuân thủ pháp luật là cầm cố tài sản do người khác phạm tội mà có, cầm xe máy, ô- tô có giấy tờ giả... Chưa kể, có tiệm cầm đồ còn trở thành nơi chứa chấp và thậm chí còn móc ngoặc với một số đối tượng để làm giấy tờ giả nhằm hợp thức hóa những tài sản phi pháp để tiêu thụ, nhất là các loại phương tiện gắn máy.
Theo Nghị định số 72/2009/NĐ-CP của Chính phủ thì kinh doanh cầm đồ thuộc loại hình kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, việc quản lý hoạt động kinh doanh cầm đồ gặp phải rất nhiều khó khăn, phức tạp, trong khi các quy định của Nhà nước còn bộc lộ nhiều koe hở. Trên thực tế, rất nhiều chủ cơ sở kinh doanh không trực tiếp đứng tên kinh doanh, mà sử dụng người làm thuê đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhằm tránh sự kiểm soát của cơ quan quản lý, tránh xem xét trách nhiệm khi có vụ việc xảy ra. Dịch vụ cầm đồ, cầm cố tài sản mà không phải là bất động sản, cầm cố tài sản không có hợp đồng hoặc có hợp đồng nhưng không thực hiện việc trả lãi theo quy định; tài sản cầm cố để tại kho bãi không cùng địa điểm giao dịch hoặc chủ cầm đồ gửi nhà họ hàng, người thân gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, nhiều chủ cầm đồ nhận hồ sơ cầm cố biến tướng dưới dạng cho vay với lãi suất cao; cầm cố tài sản là tang vật vụ án. Liên quan đến hoạt động cầm đồ tiềm ẩn các hoạt động phạm pháp, như: bảo kê, đâm thuê chém mướn, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, siết nợ, bắt giữ người trái pháp luật... Làm cho trật tự an ninh trên địa bàn thêm phần phức tạp.
Cận Tết Nguyên đán, các đối tượng trộm, cướp gia tăng hoạt động. Chắc chắn sẽ có nhiều tài sản bất minh tìm đường tiêu thụ thông qua các tiệm cầm đồ. Để tránh rủi ro cho các tiệm cầm đồ không cầm phải các món đồ gian và cũng để ngăn chặn tình trạng các tiệm cầm đồ tiếp tay cho kẻ gian, chính quyền các quận, huyện, xã, phường và các lực lượng chức năng cần phối hợp để quản lý chặt hoạt động cầm đồ trên địa bàn.
Trước hết là, tập trung vận động và khuyến cáo các chủ tiệm tự giác thực hiện đúng các quy định của pháp luật về kinh doanh dịch vụ cầm đồ và góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm như khi thực hiện giao dịch cầm đồ nên lập hợp đồng, yêu cầu người cầm cố tài sản xuất trình CMND, hộ chiếu còn giá trị sử dụng để kiểm tra, đối chiếu và phô-tô lưu lại. Đối với hàng hóa, tài sản cầm cố thuộc quyền sở hữu của người thứ ba, phải có giấy ủy quyền của chủ sở hữu. Không được nhận cầm cố hàng hóa, phương tiện, tài sản không có giấy tờ, không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện người thế chấp và cầm cố tài sản có dấu hiệu bất minh thì báo cơ quan công an để kịp thời ngăn chặn, xử lý. Thường xuyên thực hiện kiểm tra hoạt động các tiệm cầm đồ, nhất là những tiệm có nhiều biểu hiện bất minh. Buộc phải công khai địa điểm các kho chứa đồ cầm cố để dễ quản lý. Đi cùng với đó, các lực lượng chức năng, nhất là công an tăng cường công tác nghiệp vụ cơ bản, nắm chắc tình hình, sử dụng đồng bộ các biện pháp, kịp thời phát hiện, điều tra làm rõ các hành vi lợi dụng hoạt động kinh doanh ngành, nghề có điều kiện về an ninh, trật tự để vi phạm pháp luật. Kịp thời phát hiện những người có hành vi bao che hoặc trực tiếp tham gia hoạt động cầm đồ, cho vay nặng lãi, để xử lý nghiêm minh theo quy định của ngành và quy định của pháp luật...